Lều Chõng

Kết quả hình ảnh cho lều chõng
Thật đáng xấu hổ khi trong bài viết trước mình chúc mọi người một năm mới thật nhiều niềm vui và đọc nhiều sách, và rồi mình viết bài này sau ... 8 tháng! Không phải mình không có thời gian, chẳng ai là quá bận cho một bài viết chưa đến nghìn từ cả, đúng không? Chỉ là mình chưa thực sự tìm được quyển sách nào ưng ý, thu hút, khiến mình đủ kiên nhẫn đọc một mạch từ đầu đến cuối cả. Thời gian qua mình cũng mua được kha khá sách, đa số là sách trinh thám của Jeffery Deaver - một trong những tác giả ưa thích của mình, và một vài quyển sách tiếng Anh. Hầu hết mình đều đọc tầm chục trang, rồi ... bỏ dở. Mãi cho đến khi đọc đến cuốn này.

Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Mình đến trường dự hội thảo, tuy nhiên vì một vài lí do ngớ ngẩn, mà mình và hội bạn không được vào tham dự. Kết quả là lang thang hội chợ sách ở ngay trong khuôn viên trường. Vốn dĩ mình không định mua gì cả, vì ở nhà còn quá nhiều sách chưa đọc, và cũng vì hết tiền. Run rủi thế nào lại nhìn thấy cuốn này. Mình vốn dĩ đã rất thích những thứ liên quan tới văn hóa, đặc biệt là văn hóa cổ, và đặc biệt hơn nữa là văn hóa Việt Nam. Mình thú nhận mình là con người sến sẩm, khi cứ thích những thứ gì liên quan tới cổ, từ cổ trang, cổ điển, cho tới cổ tích! Cầm quyển Lều Chõng lên, cứ ngỡ sẽ là bối cảnh vùng quê miền Bắc ở thời Pháp đô hộ, chịu đói chịu khổ như trong tiểu thuyết Tắt Đèn, nhưng không ngờ nó lại yên bình hơn thế nhiều.

Câu chuyện là cuộc hành trình đi thi của anh học trò Đào Vân Hạc, từ thi Hương, cho đến thi Hội, rồi thi Đình. Tuy nhiên, chuyện đáng nói ở đây là, đến chính anh cũng không biết mình đang đi thi cho ai, đi thi để lấy danh dự cho vợ mình - cô Ngọc, hay cho cụ Bảng - người thầy rất mực đáng kính của anh? Một chuyện hết sức dở hơi nữa, là Vân Hạc văn hay chữ tốt có tiếng, bài thi lần nào cũng xếp thứ nhất, văn của anh ai đọc cũng tấm tắc khen hay, tuy nhiên một lần thi hỏng chỉ vì triều đình không muốn anh còn trẻ mà đã tự đắc với cái tài của mình, đâm ra hư hỏng ?!

Qua cuốn tiểu thuyết này, mình biết thêm được nhiều về văn hóa Việt Nam, nhất là về chế độ thi cử thời Nguyễn, cũng như cuộc sống của người dân vùng nông thôn miền Bắc, chủ yếu ở tầng lớp trí thức. Thi cử thực sự rất gắt gao và khó khăn (cả về đề thi lẫn quy trình đi thi). Tất cả đều được tổ chức có quy mô, hệ thống rõ ràng, và rất khó để thí sinh có thể giở trò gian lận trong trường thi (tất nhiên là nếu khéo léo và khôn ngoan thì vẫn có thể, nhưng đó là thí sinh với nhau, tuyệt không có chuyện giám thị tiếp tay cho thí sinh). Bạn có tưởng tượng được không, thi Hương là kì thi trong khu vực, dạng như cấp phường của mình bây giờ ấy, mà phải trải qua tận 4 vòng thi! Thi hết 4 vòng thi Hương rồi mới tới thi Hội, thi Đình. Thế mới biết các ông Trạng Nguyên ngày xưa giỏi thế nào. Còn nữa, điều kiện thi của thí sinh cũng rất khắc nghiệt. Vân Hạc đi thi vào tiết trời đông, hình như là tầm cận Tết, trời mưa rét thấu xương, ngồi trong lều thi mà tay run cóng, viết khó khăn. Mình ấn tượng nhất với khung cảnh Vân Hạc đi thi vào ngày trời đông, mưa tầm tã, đất ruộng gặp nước mưa hóa bùn hết cả, trong lều nước ngập lõng bõng, mặc quần áo mà như đắp tấm chăn nước, lạnh buốt. Có người chết ngay trong trường thi, chỉ vì quá lạnh.

Mình ấn tượng với sự hiếu học của người Việt xưa, khi có những ông cụ lưng đã còng, nhưng vẫn nhất quyết vác lều chõng đi thi, thi đến khi nào đỗ mới thôi! Ấn tượng cả với tham vọng của cô Ngọc, kiểu tham vọng mà mình nghĩ khá giống với con gái hiện đại bây giờ, nhưng đôi lúc cái tham vọng ấy khiến mình phát bực! Nhờ cuốn lều chõng, mình mới biết Hà Nội xưa còn có phố Hàng Lờ ?! Và phố đó nổi tiếng với những nhà hát của các cô đào, nơi giải trí cho cánh đàn ông. Mình đang không hiểu Hàng Lờ là tên thật, hay mục đích gì? Còn có phố Hàng Gạo. Thời gian qua đi, vùi lấp quá nhiều thứ mà chúng ta không biết, và thật sung sướng khi được biết thêm từng chút, từng chút một về Hà Nội xưa qua từng con chữ của các danh tác Việt.

Bài viết lần này quá dài, nhưng vì là thứ mình tâm đắc, nên cảm xúc có hơi nhiều chút.

Chúc các bạn đọc vui!

Comments

Popular posts from this blog

Unstable 2019

Một vài lời gửi gắm đến bản thân năm 2020

2018 của mình